Tại Việt Nam Người_hâm_mộ

Việt Nam có những fan hâm mộ cuồng nhiệt đối với những diễn viên, ca sĩ ngoại quốc cũng như trong nước. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức thậm chí chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ gì.[3] Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp thường xuyên (ca sĩ Đan Trường)[4]

Nhiều bạn trẻ tìm mọi cách vòi vĩnh cha mẹ, thậm chí đòi chết để có vé hoặc được ra sân bay chầu chực để một lần trông thấy thần tượng. Nhiều bạn bỏ học, bỏ thời gian, nhịn đói chỉ để chờ đợi thấy thần tượng rồi bật khóc, ngất xỉu, gây rối loạn trật tự. Họ không ngại bỏ tiền thuê xe chạy theo xe thần tượng đến tận khách sạn rồi chầu chực bên ngoài chỉ để hy vọng một lúc nào đó thần tượng đi ngang qua.[3] Nhiều fan thức đến nửa đêm chầu chực ngoài sân bay mong nhìn được thần tượng, khi họ không thấy được thần tượng thì khóc lóc sụt sùi. Những fan đó có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua những chiếc vé chợ đen có giá vài triệu đồng đi xem thần tượng bất chấp trời nắng nóng nhưng sẵn sàng đứng đến nửa ngày trời để mong gặp thần tượng.[5]

Cũng ở Việt Nam, khi có các chuyến lưu diễn của các ca sĩ, diễn viên ngoại quốc (nhất là từ Hàn Quốc) thì người hâm mộ trẻ bất chấp nắng, mưa, nhịn đói nhịn khát, chẳng màng đến những lời chê trách có thể làm mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn để thỏa mãn một điều duy nhất là biểu lộ cảm xúc với thần tượng của mình. Họ bất cần thân thể, chỉ chờ mà không ăn uống, thậm chí khóc lóc vô cớ, nhất là những cô gái rất trẻ cố bám mình theo xe thần tượng chạm tay vào kính xe rồi khóc lóc vật vã.[6]

Cá biệt hơn, một số fan cuồng ở Hà Nội xúm nhau ngửi và hôn lên chiếc ghế thần tượng đã ngồi, họ ái mộ đến mức xúm nhau hôn chỗ ngồi của thần tượng và được coi là việc làm có một không hai trên thế giới.[6] Thậm chí một số fan cuồng còn sẵn sàng chấp nhận làm tình một đêm để có được tấm vé vào xem thần tượng biểu diễn.[6]

Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay ở Việt Nam.[2]